Trường Đại học Giao thông vận tải (UTC) có nguồn gốc từ Trường Cao đẳng Công chính Việt Nam, đã được tái khai giảng dưới sự lãnh đạo của cách mạng vào ngày 15 tháng 11 năm 1945 theo Sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trường có nhiệm vụ quan trọng trong việc đào tạo, nghiên cứu khoa học, và chuyển giao công nghệ chất lượng cao để đáp ứng xu hướng hội nhập quốc tế. Nhiệm vụ chính của trường là thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành giao thông vận tải và đất nước, đồng thời đảm bảo trách nhiệm xã hội.
Chương trình liên thông tại Đại học Giao thông vận tải vẫn luôn được duy trì triển khai nhằm cung cấp sự đa dạng trong đào tạo. Chương trình này cung cấp cơ hội cho các học viên chuyển tiếp từ các khóa học Trung cấp và Cao đẳng để tham gia vào các khóa học chính quy tại UTC. Điều này cho phép họ trải nghiệm và nhận đào tạo tại môi trường đa ngành về kỹ thuật, công nghệ và kinh tế hàng đầu miền Bắc.
Đối tượng tuyển sinh liên thông tại UTC
Đối tượng tuyển sinh theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 18/2017/QĐ- TTg bao gồm những thí sinh đáp ứng các tiêu chí sau đây để tham gia kỳ tuyển sinh liên thông từ trình độ cao đẳng lên trình độ đại học năm 2023 tại Trường Đại học Giao thông vận tải:
- Đã hoàn thành chương trình trình độ cao đẳng và có bằng tốt nghiệp (hoặc đã được công nhận tốt nghiệp) do các cơ sở đào tạo trong nước cấp, hoặc đã có bằng tốt nghiệp trình độ cao đẳng từ các cơ sở đào tạo nước ngoài (đã được công nhận theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội).
- Có sức khỏe đủ để học tập theo quy định hiện hành và không nằm trong thời gian bị can án hoặc đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Nộp hồ sơ đầy đủ và đúng thời hạn theo quy định của Trường.
Phương thức tuyển sinh liên thông tại UTC
Với mục tiêu hướng đến tuyển sinh 450 học viên, trường đã đề ra các phương thức tuyển sinh sau: Thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp thi tuyển và xét tuyển.
Phương thức 1: Xét tuyển (áp dụng cho thí sinh có nguyện vọng liên thông đúng ngành đã tốt nghiệp bậc Cao đẳng)
Xét tuyển dựa trên kết quả học tập toàn khóa (điểm trung bình chung học tập) cao đẳng của thí sinh.
Điều kiện để thí sinh được xét tuyển:
- Đã được cấp bằng tốt nghiệp bậc Cao đẳng (hoặc đã được công nhận tốt nghiệp).
- Điểm trung bình chung cuối khóa lớn hơn hoặc bằng 5,0 (năm) trên thang điểm 10 hoặc lớn hơn hoặc bằng 2,0 (hai) trên thang điểm 4.
- Các học phần Toán cao cấp không có điểm dưới 5,0 (thang điểm 10).
Trong trường hợp có nhiều thí sinh trúng tuyển vượt quá chỉ tiêu, Hội đồng tuyển sinh sẽ áp dụng tiêu chí phụ để xét tuyển, ưu tiên cho thí sinh có điểm cao hơn ở các học phần tốt nghiệp.
Phương thức 2: Thi tuyển
Áp dụng cho các thí sinh không đủ điều kiện xét tuyển và thí sinh không có nguyện vọng xét tuyển.
Các môn thi tuyển bao gồm Toán, Cơ sở ngành và Chuyên ngành (chi tiết xem phụ lục).
Để đảm bảo chất lượng đầu vào, tổng điểm của ba môn thi phải đạt ngưỡng quy định (theo Quy chế tuyển sinh trình độ Đại học hiện hành).
Các ngành và môn thi tuyển
CÁC NGÀNH VÀ CÁC MÔN THI TUYỂN SINH LIÊN THÔNG TỪ TRÌNH ĐỘ CAO ĐẲNG LÊN TRÌNH ĐỘ ĐẠI HỌC NĂM 2023 | ||||||
STT | Tên ngành | Đào tạo tích hợp Cử nhân – Kỹ sư | Môn thi | |||
Cấp bằng cử nhân | Cấp bằng kỹ sư | Cơ bản | Cơ sở ngành | Chuyên môn ngành | ||
1 | Kỹ thuật ô tô | Cử nhân Kỹ thuật ô tô | Kỹ sư Kỹ thuật ô tô | Toán | Sức bền vật liệu | Lý thuyết ô tô |
2 | Kỹ thuật cơ khí | Cử nhân Kỹ thuật cơ khí | Kỹ sư Kỹ thuật cơ khí | Toán | Chi tiết máy | Công nghệ chế tạo máy |
3 | Kỹ thuật cơ điện tử | Cử nhân Kỹ thuật cơ điện tử | Kỹ sư Kỹ thuật cơ điện tử | Toán | Nguyên lý máy | Hệ thống cơ điện tử |
4 | Kỹ thuật Nhiệt | Cử nhân Kỹ thuật nhiệt | Kỹ sư Kỹ thuật nhiệt | Toán | Kỹ thuật lạnh | Kỹ thuật nhiệt |
5 | Kỹ thuật điện | Cử nhân Kỹ thuật diện | Kỹ sư Kỹ thuật điện | Toán | Lý thuyết mạch | Cơ sở truyền động điện |
6 | Kỹ thuật điện tử – viễn thông | Cử nhân Kỹ thuật điện tử -viễn thông | Kỹ sư Kỹ thuật điện tử- Viễn thông | Toán | Xử lý tín hiệu số | Lý thuyết thông tin |
7 | Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa | Cử nhân Kỹ thuật điều khiển và tự dộng hóa | Kỹ sư Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa | Toán | Lý thuyết điều khiển tự động | Truyền động điện |
8 | Công nghệ thông tin | Cử nhân Công nghệ thông tin | Kỹ sư Công nghệ thông tin | Toán | Toán rời rạc | Cấu trúc dữ liệu và giải thuật |
9 | Kế toán | Cử nhân Kế toán (chuyên ngành Kế toán tổng hợp) | Không đào tạo kỹ sư | Toán | Nguyên lý kế toán | Kế toán tài chính |
10 | Quản trị kinh doanh | Cử nhân Quản trị kinh doanh | Không đào tạo kỹ sư | Toán | Quản trị học | Quản trị doanh nghiệp |
11 | Kỹ thuật xây dựng | Cử nhân Kỹ thuật xây dựng | Kỹ sư Kỹ thuật xây dựng | Toán | Vật liệu xây dựng | Kết cấu bê tông cốt thép |
12 | Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông | Cử nhân Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông | Kỹ sư Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông | Toán | Cơ học đất | Đường bộ |
13 | Kinh tế xây dựng | Cử nhân Kinh tế xây dựng | Kỹ sư Kinh tế xây dựng | Toán | Kinh tế xây dựng | Tổ chức điều hành sản xuất |
14 | Khai thác vận tải | Cử nhân Khai thác vận tải | Không đào tạo kỹ sư | Toán | Kinh tế và kế hoạch hoá vận tải ĐS | Tổ chức chạy tàu |
Hình thức đào tạo liên thông tại UTC
Với thời gian đào tạo tối thiểu 02 năm, nhà trường tổ chức đào tạo liên thông từ trình độ cao đẳng lên đại học thông qua hai hình thức sau:
- Liên thông chính quy: Đây là chương trình đào tạo trình độ đại học chính quy dành cho sinh viên tham gia liên thông theo hình thức chính quy. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ được cấp bằng kỹ sư (bậc 7, tương đương với trình độ Thạc sĩ) hoặc cử nhân (bậc 6), tuỳ thuộc vào thời gian đào tạo và chương trình học mà sinh viên lựa chọn (chi tiết xem trong phụ lục văn bằng ghi rõ hình thức đào tạo liên thông chính quy).
- Liên thông vừa làm vừa học: Đây là chương trình đào tạo đại học hình thức vừa làm vừa học dành cho sinh viên tham gia liên thông. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ được cấp bằng kỹ sư (bậc 7, tương đương với trình độ Thạc sĩ) hoặc cử nhân (bậc 6). Thông tin chi tiết về hình thức đào tạo liên thông vừa làm vừa học được ghi rõ trong phụ lục văn bằng.
Chi phí xét tuyển và đào tạo liên thông tại UTC
- Lệ phí đăng ký xét tuyển, thi tuyển: 60.000 đồng cho mỗi hồ sơ.
- Lệ phí xét tuyển, thi tuyển: 640.000 đồng cho mỗi hồ sơ.
- Học phí ôn tập 3 môn: 1.500.000 đồng cho gói học 3 môn.
- Học phí đào tạo trình độ liên thông (năm học 2022-2023):
- Các ngành khối kỹ thuật: 415.800 đồng cho mỗi tín chỉ.
- Các ngành khối kinh tế: Từ 337.700 đến 353.300 đồng cho mỗi tín chỉ, tùy thuộc vào ngành học.
Hồ sơ tuyển sinh
- Phiếu tuyển sinh (phiếu xét tuyển);
- Bản sao hợp lệ bằng tốt nghiệp cao đẳng và giấy chứng nhận kết quả học tập (bảng điểm) kèm bản chính;
- Bản sao hợp lệ giấy khai sinh;
- Bản sao căn cước công dân;
- Giấy chứng nhận đủ sức khỏe để học tập của bệnh viện đa khoa/ trung tâm y tế cấp quận (huyện) trở lên;
- 04 ảnh chân dung 4×6 cm trong thời hạn 06 tháng tính từ ngày chụp đến ngày nộp hồ sơ đăng ký dự thi;
- 02 phong bì dán sẵn tem và ghi rõ địa chỉ, số điện thoại liên hệ của thí sinh.
Đào Ngọc
Bình luận của bạn:
Nếu bạn có thắc mắc, ý kiến đóng góp của bạn xung quanh vấn đề này. Vui lòng điền thông tin theo mẫu dưới đây rồi nhấn nút GỬI BÌNH LUẬN. Mọi ý kiến của bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cảm ơn các bạn!